Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Con mắt còn thương!

1. Thi thoảng, mình vẫn thường nghe những câu nói đắng chát về mối quan hệ chồng vợ, kiểu “Hôn nhân là một cuộc chơi”, “Hôn nhân là một canh bạc”. Khi cá nhân đằng đẵng tuyệt vọng, thật khó trách họ về sự tiêu cực trong nhìn nhận. Chỉ là, mình đã chứng kiến hơn một lần vợ chồng cũ dẫu không còn trọn nghĩa phu thê vẫn đết sức đằm thắm cùng nhau.

Anh làm kinh doanh, chị là thương nhân. Họ có với nhau hai người con chung, một trai một gái. Đang yên đang lành thì ly hôn, mọi thứ nhẹ tênh như khi hồn nhiên yêu hồn nhiên cưới.

Con mắt còn thương!
Tòa xử cho chị nuôi hai con, anh rời căn nhà cũ. Anh sắm nhà mới, lập gia đình với cô gái trẻ. Thi thoảng chị bận việc, nhắn cái tin trống không, “Anh qua đón con, nhé”. Đúng hẹn như đồng hồ, anh xuất hiện trước cổng trường, chở con về nhà vợ cũ, căn nhà từng là của anh chị. Anh vào nhà, vẫn nói chuyện với mẹ vợ như thuở vẫn an yên.

Thi thoảng làm ăn hụt tiền mặt, anh vay chị một ít. Đến lúc trả, đều kèm theo khoản tiền lãi. Chị giận, “Anh coi em như người dưng hồi nào vậy”. “Anh cho con, cho gì em đâu”, anh trả lời.

Chị đưa con đi du lịch, con gọi điện cho anh, xin “Ba cho con tiền đi du lịch với mẹ, mẹ hết tiền rồi”. Anh nhanh chóng mang tiền đến. Sáng hôm sau, trong tài khoản của chị có khoản tiền nào đó.
Vợ sau sinh con anh một cậu con trai, thôi nôi con anh mời chị.

Chị dự tiệc với món quà là cái bánh kem kèm chiếc vòng bạc tránh gió. Chị ngồi với vợ anh, hướng dẫn cách chăm em bé.

Mình đùa, “Lúc tiễn nhau về, có nắm tay xíu nào không?’. “Không, em hỏi tào lao quá”, chị trả lời, chắc có nét hờn.

Sẵn tiện nghĩ cũng nên kể nốt điều này, tất cả tài sản ngày anh với chị còn là chồng là vợ hoàn toàn không có sự phân chia. Anh và chị thống nhất tài sản ấy sẽ chia đều cho các con, con chung hay con riêng gì vẫn có khoản bằng nhau.

2. Chị giận anh, đùng đùng về nước. Chị quyết định ly dị, anh khản hơi năn nỉ mà không thay đổi được gì.

Ở Việt Nam, chị gặp người đàn ông khác. Anh về, nghe ngóng tin của chị, buồn hiu. Ngồi uống rượu, anh đấm tay xuống bàn như trẻ trai vụt mất mối tình đầu.

Mối tình sau của chị không trọn vẹn, người tình của chị đánh chị. Anh ở Nga, xót ruột đăng ký vé bay thẳng về.

Họ ngồi lặng im như ngày tháng nối tiếp trôi. “Em về với anh không?”, anh hỏi. Chị không trả lời, chị khóc.

Hôm ăn mừng gương vỡ lại lành, anh chị bẽn lẽn như hồi dạm hỏi. Cái này, mình đọc sách rồi tự nghĩ vậy.

Mình nghe lẫn nhìn những câu chuyện yêu đương trắc trở gia đình lục đục cũng nhiều lắm, tuyệt chưa thấy ai nặng lòng với vợ cũ như anh. Vì thương, anh châm chế hết cho chị.

Anh nói, “Lỗi cũng do anh thôi, phụ nữ chẳng bao giờ có lỗi”.

Chẳng biết anh có lỗi gì, tò mò muốn hỏi nhưng lịch sự đành thôi.

3. Anh với chị ly hôn lâu lắm rồi, mỗi người đều có gia đình riêng và những người con mới. Họ gần như không liên lạc gì cho đến lúc cô con gái đầu lấy chồng.

Chị không trực tiếp nói với anh, anh biết mà không bàn với chị. Mọi liên hệ đều thông qua con gái lớn.

Ngày thành hôn, khi người dẫn chương trình giới thiệu bố mẹ của cô dâu. Anh chị ngượng nghịu bước chậm chậm lên làm lễ. Anh cảm ơn quan khách, cảm ơn chị đã cho anh được làm bố của cô dâu. Chị toàn cười, nụ cười thương ơi là thương.

Mình ngồi dưới bàn tiệc nhìn cảnh ấy, cảm xúc lẫn lộn khó tả vô cùng.

4. Tất nhiên, có những vợ chồng khi đưa nhau ra tòa phút chốc ấm êm xưa trở thành thù hận. Nhưng với những gì mình đã chứng kiến, mình vẫn tin một điều rằng duyên nợ hết rồi vẫn cần một ấm áp dành cho nhau.

Bao nhiêu là ái ân, bao nhiêu là ký ức, bao nhiêu là duyên phận, đâu thể vì sự hợp tan đầy bất trắc số phận mà nhanh chóng xóa nhòa được.

Cụ Phan Khôi có câu cuối trong bài Tình già cực hay, “Ôn chuyên cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi! Con mắt còn có đuôi.”.

Thôi thì mạn phép chỉnh thành, con mắt còn thương.

Gì thì gì, chứ đã từng quen hơi làm sao mà oán giận hoài được dẫu không còn thương thì cũng không nỡ trở mặt oán nhau.

NNH